Tạm bợ, phong trào và đầy hình thức – giờ trái đất ở Việt Nam
Mà gọi là phong trào cũng chẳng có gì lạ khi sự kiện này về Việt Nam đã ít nhiều bị biến tướng, lãng phí rắc rối ngay từ khâu chuẩn bị. Băng rôn, sân khấu, đồng phục, khẩu hiệu, họp báo, truyền thông…, một loạt các chi phí phải bỏ ra để lăng xê cho sự kiện này. Chẳng biết đã đủ khấu hao hết 140.000kWh điện mà thiên hạ tiết kiệm được trong một giờ chưa….
Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch Giờ Trái đất và đã tiết kiệm được 140.000kWh sau khi thực hiện nghi thức tắt đèn. Tuy nhiên, người ta chỉ thống kê được lượng điện năng tiết kiệm được trong một giờ đồng hồ đó. Thành quả trưng ra cho thiên hạ thấy cũng chỉ có ngắn ngủi có một giờ. Còn lại, chẳng ai thống kế được 364 ngày tiếp theo đó, trước khi bắt đầu một sự kiện Giờ Trái đất mới, người dân có tiết kiệm được nhiều hơn so với năm ngoái không.
Tôi đưa ra một ví dụ cụ thể cho năm 2009 để khẳng định rằng, sau 5 năm tồn tại, Giờ Trái đất ở Việt nam vẫn chỉ là sự kiện mang tính hình thức và tạm bợ. Nhiều người hào hứng tham gia như để lấy phong trào chứ thực tâm chẳng biết gì đến ý nghĩa thực sự của nó.
Mà gọi là phong trào cũng chẳng có gì lạ khi sự kiện này về Việt Nam đã ít nhiều bị biến tướng, lãng phí rắc rối ngay từ khâu chuẩn bị. Băng rôn, sân khấu, đồng phục, khẩu hiệu, họp báo, truyền thông…, một loạt các chi phí phải bỏ ra để lăng xê cho sự kiện này. Chẳng biết đã đủ khấu hao hết 140.000kWh điện mà thiên hạ tiết kiệm được trong một giờ chưa.
Nến thắp cho Giờ Trái đất, vừa lãng phí vừa gây hại cho môi trường
Đã khoa trương từ khâu tổ chức, đến ý thức của người tham gia cũng phải xem lại. Nhiều người đúng kiểu tham gia cho vui vì thấy hàng xóm tắt điện chẳng lẽ nhà mình lại sáng đèn để người ta dèm pha là vô ý thức. Thế nên mới có chuyện như ở khu phố nhà tôi, nhiều người tắt điện rồi kê ghế “buôn dưa lê”, thi thoảng lại xen vào vài câu đại ý: “Hết một giờ chưa nhỉ để còn bật điện”; “Đã được bật cái đèn lên chưa”…
Và tất nhiên là sau một tiếng đồng hồ gọi là hưởng ứng đó, ngay lập tức đèn đường, đèn nhà hàng, đèn quán xá và trăm ngàn các loại đèn cùng đồng loạt bật lên trong sự “tiền hô hậu ủng” của thiên hạ.
Mỗi người có một niềm vui riêng. Người vui vì vừa tham gia vào một sự kiện mà ai cũng bảo là có ý nghĩa. Người vui vì cuối cùng đã chờ được đến giờ bật đèn. Người vui vì sau hôm nay, mình có thể tiếp tục xả rác, lãng phí điện nước trong 364 ngày còn lại mà không còn cảm thấy quá tội lỗi. Và thậm chí đơn giản, người vui vì xung quanh mình ai cũng vui (!).
Nói vậy thì có phần mỉa mai, nhưng Giờ Trái đất đúng là đang bị hình thức, phong trào như thế. Bởi sau một giờ đồng hồ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam chẳng cải thiện hơn. Bằng chứng gần nhất là ngay sau sự kiện, người ta thấy ý thức của những người tham gia đã rơi vãi ngay trên đường: Nào rác thải, nào chen lấn xô đẩy, nào tiền mua nến đốt để xả nhiều hơn nữa khí CO2 vào môi trường…
Cứ sau mỗi sự kiện là rác thải lại vương vãi trên đường phố
Còn bằng chứng xa hơn, đó là sau gần 5 năm tổ chức, môi trường của Việt Nam vẫn đang bị phá hoại nặng nề, ý thức của người dân chẳng khá khẩm, tích cực hơn. Trái đất ngày càng nóng lên khi mùa hè mỗi lúc một nắng như thiêu đốt. Trong khi đó, mùa đông ở Việt Nam bất ngờ có tuyết thật ở một số vùng cao. Sang mùa xuân thì mưa dầm dề đến 1,5 tháng (chưa có dấu hiệu dừng lại).
Khí hậu biến đổi mạnh, nạn chặt phá rừng vẫn thường xuyên tiếp diễn, những vụ cháy rừng vì sự vô ý thức của người dân vẫn nhan nhản trên các trang báo khiến người đọc phải chua xót lòng.
Cái cần nhất là sự giáo dục ý thức của người dân một cách dàn trải, đều đặn trong một năm, chứ không phải chỉ tổ chức một chương trình hoành tráng trong một giờ rồi kết thúc là ai về nhà nấy.
Môi trường ở Việt Nam sau 5 năm tổ chức Giờ Trái đất chẳng khá khẩm hơn
Thế nên bây giờ, cứ đến Giờ Trái đất thường niên là tôi lại thấy ngao ngán. Có những ngày lễ lập ra trường kỳ mà lợi ích mang lại không đáng bao nhiêu.
Giống như ngày Quốc tế Hạnh phúc vừa rồi, một ngày kỷ niệm khiến người ta phải phì cười khi hóa ra 364 ngày còn lại là ngày bất hạnh và ngày hôm ấy dù không hạnh phúc cũng phải cố tỏ ra hạnh phúc? Còn Giờ Trái đất thì trở thành sự kiện thiên hạ rầm rập tham gia chỉ để tự an ủi, xoa dịu cho 364 ngày tha phanh xả rác tiếp theo.